Châm cứu là phương pháp điều trị không dùng thuốc giúp cải thiện hiệu quả nhiều bệnh lý. Để biết chấm cứu có tốt không, những bệnh nào nên châm cứu, bệnh nhân có thể tham khảo bài viết sau đây.
Châm cứu là một phương pháp điều trị Y học cổ truyền không dùng thuốc, được coi là một trong những thành công của nền y học cổ truyền phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc từ hàng nghìn năm qua.
Châm cứu là gì?
Châm có nghĩa là dùng vật nhọn (như kim, que nhọn…) đâm vào hoặc kích thích vào huyệt. Còn cứu có nghĩa là dùng nhiệt (hơi nóng) tác động lên huyệt.
Người ta dùng kim thuộc chế thành các loại kim khác nhau, châm ở những bộ phận đặc biệt trên cơ thể con người (huyệt vị). Sau khi châm vào da thịt, căn cứ vào bệnh tình và thể chất người bệnh khác nhau mà dùng thủ pháp phù hợp nhằm đạt đến mục đích khử bệnh tật, nâng cao sức đề kháng của cơ thể mà chữa bệnh, phương pháp này gọi chung là châm.
Còn cứu dùng lá ngải khô để chế thành ngải nhung, rồi lại dùng ngải nhung chế thành viên to nhỏ như mồi ngải, hoặc cuốn thành điếu ngải, đốt lửa xong trực tiếp hoặc gián tiếp hơ hoặc đặt lên huyệt vị nhất định của cơ thể người bệnh, thông qua sự kích thích ấm nóng này làm cho thông kinh lạc đạt mục đích chữa bệnh và phòng trừ bệnh tật.
Hai phương pháp trên tuy khác nhau nhưng sử dụng huyệt vị giống nhau, có khi cùng châm và cứu, thông thường gọi là phép châm cứu.
Châm cứu có nhiều công hiệu: giảm đau lưng, đau cổ, đau sau phẫu thuật. Nó cũng giúp cải thiện trục trặc về tiêu hóa, kinh nguyệt bất thường, dị ứng, mất ngủ, ...
Lợi ích của châm cứu với sức khoẻ con người
Hiện nay, châm cứu được sử dụng phối hợp với các phương pháp điều trị và thuốc Tây y, chế độ ăn và luyện tập để mang lại hiệu quả toàn diện cho người bệnh. Dưới đây là một số tình trạng phổ biến có thể được điều trị bằng châm cứu.
Giảm đau
Đa số các bệnh nhân đến gặp các chuyên gia châm cứu vì tình trạng đau, thường là đau lưng, đau đầu gối, đau cổ, đau vai gáy. Châm cứu có tác dụng giảm đau và ít gây tác dụng phụ.
Châm cứu có tác dụng tốt hơn giả dược trong việc giảm đau của 4 tình trạng đau phổ biến, bao gồm: đau lưng, đau cổ, viêm xương khớp, đau đầu mãn tĩnh và đau vai. Với những tình trạng đau dữ dội, bạn có thể được sử dụng phương pháp điện châm để tác động nhiều hơn đến các huyệt đạo do vậy sẽ giảm đau tốt hơn.
Vô sinh
Châm cứu đã được chứng minh là có thể cải thiện khả năng thụ thai ở cả nữ giới sử dụng phương pháp thụ tinh trong trong ống nghiệm và cả những nữ giới thụ thai theo cách tự nhiên.
Tác dụng của châm cứu trong khả năng sinh sản vẫn dựa vào cơ chế tác dụng cơ bản của thuật châm cứu: khi cơ thể một người đạt được sự cân bằng tốt hơn, thì rất nhiều vấn đề về sức khỏe cũng sẽ được giải quyết, bao gồm cả các vấn đề về vô sinh.
Tiêu hóa
Châm cứu có thể hỗ trợ trong việc giảm các triệu chứng ợ nóng, táo bón và kể cả các triệu của bệnh viêm loét đại tràng. Đáp ứng tốt với điều trị bằng châm cứu thường là những người mắc chứng trào ngược.
Hồi phục chức năng sau đột quỵ
Châm cứu nhằm phục hồi chức năng có thể cải thiện lưu lương máu chảy và tuần hoàn, do vậy, đây là phương pháp điều trị lý tưởng cho các vùng của cơ thể thường không được nhận đủ máu, ví dụ như ở những người bệnh chịu ảnh hưởng của cơn đột quỵ. Các vùng bị ảnh hưởng sau cơn đột quỵ bao gồm một phần của não bộ hoặc một bên chi.
Rối loạn cảm xúc
Châm cứu có thể giúp kiểm soát lo âu và trầm cảm. Những người cần được châm cứu thường là những người có mức độ lo âu và trầm cảm cao, nhưng lại mặc kệ không điều trị với hi vọng những triệu chứng này sẽ tự cải thiện.
Với những người bị trầm cảm, châm cứu có thể khiến họ có một khoảng thời gian cảm thấy rằng, họ khỏe mạnh về mặt thể chất, từ đó, giúp họ có cái nhìn tích cực hơn về thế giới bên ngoài, và có thể tạo ra một bước đột phá lớn về nhận thức ở người bệnh trầm cảm.
Giảm phản ứng phụ do xạ trị và hóa trị
Châm cứu có thể giúp điều trị buồn nôn – một phản ứng phụ của điều trị hóa trị. Châm cứu cũng có thể giúp ích với tình trạng mẩn đỏ xảy ra khi xạ trị, tình trạng mệt mỏi do hóa trị và xạ trị.
Cả hóa trị và xạ trị, đều rất có ích trong việc điều trị bệnh ung thư nhưng có thể gây ra tình trạng nóng quá mức trong cơ thể. Người bệnh được điều trị hóa trị và xạ trị có thể sẽ cảm thấy khô, sốt, buồn nôn và thậm chí là bị đau cục bộ ở một vùng.
Châm cứu có thể giúp những bệnh nhân gặp phải những dấu hiệu trên cảm thấy dễ chịu hơn và có thể giúp làm giảm lượng nhiệt thừa và giảm tình trạng viêm do xạ trị, hóa trị.
Rối loạn giấc ngủ
Một số người có thói quen khó chìm vào giấc ngủ, thường xuyên thức dậy vào giữa đêm hoặc thức dậy vào buổi sáng quá sớm. Châm cứu có thể cải thiện được cả 3 thói quen trên.
Lợi ích của thuật châm cứu bao gồm cả việc giúp thư giãn, do vậy, châm cứu có thể sẽ giúp ích trong việc điều trị các rối loạn về giấc ngủ. Một trong số những cách mà thuật châm cứu có ích đối với những người bị mất ngủ là do châm cứu có khả năng làm giảm lo âu.
Những lưu ý khi lựa chọn phương pháp châm cứu
Do các nghiên cứu khoa học chưa được giải thích đầy đủ cách thức hoạt động của châm cứu trong khuôn khổ của y học phương Tây, nên châm cứu vẫn còn là một nguồn gây tranh cãi. Điều quan trọng là phải đề phòng khi quyết định thực hiện phương pháp châm cứu.
- Thảo luận về châm cứu trước với các bác sĩ. Châm cứu thì không dành cho tất cả mọi người. Thảo luận về tất cả các phương pháp điều trị và thuốc (thực phẩm chức năng, thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn) mà mình đang dùng. Nếu có máy tạo nhịp tim, có nguy cơ bị nhiễm trùng, mắc các bệnh mạn tính về da, đang mang thai hoặc cấy ghép vú hoặc các thiết bị cấy ghép khác, hãy trao đổi với các bác sĩ trước. Châm cứu có thể gây rủi ro cho sức khỏe nếu chúng ta không đề cập đến những vấn đề này.
- Không được dựa vào chẩn đoán bệnh của người hành nghề châm cứu. Chỉ nhận chẩn đoán từ các bác sĩ chuyên khoa. Nếu mong muốn áp dụng châm cứu, bạn có thể hỏi bác sĩ xem liệu châm cứu có thể giúp ích gì không.
- Lựa chọn một bác sĩ châm cứu được cấp phép. Những bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh cho bạn có thể là người đáng tin cậy nhất để giới thiệu bạn đến một bác sĩ châm cứu được cấp phép hoặc chứng nhận. Bạn bè và thành viên gia đình cũng có thể là nguồn giới thiệu đáng tin tưởng. Bạn không cần phải là một bác sĩ để thực hành châm cứu hoặc trở thành một chuyên gia châm cứu được chứng nhận. Khoảng 30 tiểu bang ở Mỹ đã thiết lập các tiêu chuẩn đào tạo để cấp chứng chỉ về châm cứu, mặc dù không phải tất cả các tiểu bang đều yêu cầu về người châm cứu phải có giấy phép hành nghề. Không phải tất cả những chuyên gia châm cứu được chứng nhận đều là bác sĩ, Học viện Châm cứu Y tế Hoa Kỳ có thể cung cấp danh sách giới thiệu các bác sĩ thực hành châm cứu.
- Xem xét chi phí và phạm vi bảo hiểm. Trước khi bạn bắt đầu điều trị, hãy hỏi bác sĩ châm cứu về số lần điều trị cần thiết và chi phí của các phương pháp điều trị.