Phục hồi chức năng là chuyên khoa chuyên về khám, đánh giá và hồi phục tối đa chức năng cơ thể đã suy yếu hoặc khuyết tật của người bệnh. Không chỉ nằm trong hình thức vận động trị liệu, phục hồi chức năng gồm các phương pháp khác như hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, dụng cụ chỉnh hình, trợ giúp hồi phục chức năng, các dịch vụ xã hội.
Phục hồi chức năng là gì?
Phục hồi chức năng là một lĩnh vực quan trọng trong y khoa, giúp cho người bệnh hồi phục lại tối đa chức năng cơ thể thông qua các biện pháp luyện tập, thay đổi môi trường.
Mục đích chính của phương pháp này là làm giảm tối đa tác động của giảm chức năng và tàn tật, từ đó, giúp người bệnh hội nhập hoặc tái hội nhập với xã hội. Những chức năng này có thể thuộc về chức năng thể chất hoặc tâm thần (khả năng nhận thức, tư duy,…).
Việc suy giảm hoặc mất đi chức năng đến từ các nguyên nhân như: tai nạn, dị tật bẩm sinh, hậu quả của các bệnh lý nặng,… Mỗi trường hợp bệnh sẽ phù hợp với một hình thức phục hồi khác nhau. Nhưng mục tiêu điều trị là hồi phục sức khỏe tối đa cho người bệnh, giúp họ lấy lại được khả năng tự hoạt động.
Những ví dụ cho thấy vai trò của phục hồi chức năng là:
-
Phục hồi chức năng cho người đột quỵ có thể tự sinh hoạt (tắm rửa, ăn uống, mặc quần áo) mà không cần người khác giúp đỡ
-
Phục hồi chức năng tim cho người bị bệnh tim không gặp nhiều trở ngại trong các hoạt động thể dục thể thao
-
Phục hồi chức năng phổi cho người bệnh có thể hô hấp được tốt hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống
Ngoài ra, phương pháp trị liệu này cũng giúp người bệnh:
-
Ngăn ngừa thương tật thứ cấp
-
Tăng cường khả năng hoạt động còn lại của cơ thể, giảm thiểu tối đa hậu quả tàn tật cho người bệnh
-
Hạn chế suy nghĩ tiêu cực của người bệnh về tình trạng sức khỏe của mình
Với những lý do trên, phục hồi chức năng là một lĩnh vực mang tính cộng đồng cao, giúp người bệnh có những cơ hội bình đẳng, tham gia vào các hoạt động xã hội. Đồng thời, góp phần tăng cao ý thức phòng ngừa, đồng thời giảm thiểu tỷ lệ tàn tật.
Tại Việt Nam, lĩnh vực này cũng được chú trọng và phát triển. Tại hội nghị Triển khai Chương trình phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra vào tháng 5 năm 2023, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS. TS. Trần Văn Thuấn khẳng định đẩy mạnh phục hồi chức năng, liên tục duy trì và phát triển mạng lưới cho phù hợp với quy hoạch hệ thống y tế để nâng cao sức khỏe người dân và góp phần phát triển xã hội bền vững.
Vai trò của phục hồi chức năng trong chấn thương chỉnh hình
Hồi phục chức năng là một phần quan trọng trong chấn thương chỉnh hình, giúp ích cho quá trình điều trị và phục hồi của bệnh nhân.
Sau một phẫu thuật chỉnh hình, người bệnh thường phải đối mặt với vấn đề sức khỏe lớn là mất cơ bắp. Một người trưởng thành bình thường sẽ mất 8% cơ bắp sau 1 năm. Tuy nhiên, người bệnh nằm viện có thể mất cơ bắp lên đến 17% sau 10 ngày. Điều này nói lên tầm quan trọng của của phương pháp điều trị này trong chấn thương chỉnh hình.
Ngoài việc hỗ trợ người bệnh thuyên giảm các tổn thương hậu phẫu và cải thiện khả năng hoạt động, phục hồi chức năng giúp người bệnh giữ được lượng cơ bắp sau thời gian nằm viện. Từ đó, rút ngắn thời gian hồi phục, người bệnh có thể nhanh chóng quay trở lại cuộc sống ngày thường, tự thực hiện các hoạt động đi lại mà không cần trợ giúp.
Một số hình thức phục hồi lại khả năng vận động trong chấn thương chỉnh hình gồm:
- Phục hồi chức năng sau gãy xương
- Phục hồi chức năng tổn thương sụn khớp
- Phục hồi chức năng cho người mang chi giả
- Phục hồi chức năng sau bong gân
Ai cần thực hiện tập phục hồi chức năng?
Phục hồi chức năng được chỉ định cho những người bệnh có các cơ quan, bộ phận cơ thể bị suy yếu chức năng hoặc tổn hại sau tai nạn, dẫn đến mất tạm thời khả năng tự hoạt động, sinh hoạt hằng ngày.
Những đối tượng phổ biến cần thực hiện bao gồm:
- Người bị chấn thương do tai nạn (gãy xương, chấn thương tủy sống, chấn thương sọ não)
- Người bị đột quỵ
- Người mới trải qua phẫu thuật mở, lớn
- Người đang trong quá trình điều trị ung thư
- Người bị dị tật bẩm sinh hoặc các vấn đề rối loạn di truyền
- Người bị các bệnh mạn tính như viêm khớp mạn tính,….
Một lưu ý, người tàn tật, mất hoàn toàn khả năng cơ thể (như người bị liệt do tai nạn…) cũng cần thực hiện phục hồi chức năng. Ở những trường hợp này, phục hồi chức năng giúp tránh mất cơ ở những vị trí không hoạt động. Về lâu dài, giảm thiểu tối đa được biến chứng teo cơ thường thấy.
Các hình thức phục hồi chức năng hiện nay
Phục hồi tại viện
Là hình thức người bệnh đi đến trung tâm, bệnh viện để thực hiện liệu trình phục hồi chức năng. Đảm bảo quá trình điều trị phục hồi chức năng đầy đủ, chuyên sâu với mọi máy móc và trang thiết bị tại trung tâm trị liệu.
Nhược điểm của phục hồi tại viện là người bệnh sẽ phải đi đến nơi trung tâm/bệnh viện. Gây khó khăn cho người bệnh ở xa trung tâm/bệnh viện có phòng phục hồi chức năng; hạn chế khả năng hòa nhập cộng cồng của người bệnh.
Phục hồi ngoại viện
Phục hồi ngoại viện là hình thức mà các chuyên viên sẽ đến nơi ở của người bệnh, cùng với các máy móc, thiết bị chuyên dụng để thực hiện quá trình trị liệu.
Phương pháp này phù hợp với người tàn tật, khó khăn trong di chuyển đường xa. Tuy nhiên, việc di chuyển các máy móc thiết bị sẽ có những hạn chế nhất định do máy móc cồng kềnh, quá lớn; buộc các chuyên viên sẽ áp dụng phương pháp khác thay thế. Đây cũng chính là một nhược điểm cần cân nhắc của hình thức phục hồi ngoại viện.
Phục hồi tại cộng đồng
Người tàn tật được phát hiện và phục hồi chức năng tại cộng đồng theo kỹ thuật thích nghi. Cán bộ phục hồi chức năng sẽ giám sát và hướng dẫn người tàn tật, cùng người thân và kỹ thuật viên.
Hình thức phục hồi cộng đồng được đánh giá chất lượng phù với người bệnh vì đáp ứng được các nhu cầu cơ bản như: hội nhập xã hội, vui chơi, học hành, lao động sản suất, gia tăng thu nhập,…
Ngoài ra, phục hồi chức năng trong cộng đồng cũng là hình thức có mức chi phí hợp lý nhất. Do vậy, phương pháp này thường được ưu tiên áp dụng cho người tàn tật để quá trình phục hồi đạt được hiệu quả cao.
Phương pháp phục hồi chức năng phổ biến
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị nội khoa và hoàn toàn không xâm lấn. Được áp dụng điều trị đa dạng bệnh lý, nhưng phổ biến nhất là các bệnh lý về cơ xương khớp. Hầu hết hình thức vật lý trị liệu đều được áp dụng kết hợp với các hình thức điều trị khác để nâng cao hiệu quả điều trị.
Có 2 dạng vật lý trị liệu: Vận động trị liệu và tác nhân vật lý. Bác sĩ sẽ tùy thuộc và bệnh lý, mục tiêu điều trị và sức khỏe chung của người bệnh để chỉ định hình thức phù hợp.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp dùng để chẩn đoán vấn đề về sức khỏe tâm thần của người bệnh, từ đó xác định mục tiêu điều trị và thay đổi cảm xúc, suy nghĩ hoặc hành vi của người bệnh.
Phương pháp này được áp dụng cho những người gặp vấn đề sức khỏe không lý giải được bằng thế chất như: rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, năng lượng thấp, khó kiểm soát cảm xúc… kéo theo những hệ lụy sức khỏe tổng thể.
Hoạt động trị liệu
Hoạt động trị liệu là phương pháp phục hồi chức năng tập trung vào cải thiện sự phối hợp vận động giữa các nhóm cơ và khớp. Mục tiêu cuối cùng của phương pháp này là tập trung phục hồi các chức năng sinh hoạt hằng ngày, giúp người bệnh có thể độc lập trong cuộc sống mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của người khác.
Ngôn ngữ trị liệu
Ngôn ngữ trị liệu hay còn gọi là liệu pháp ngôn ngữ là phương pháp phục hồi chức năng cho người gặp các vấn đề trong phát âm và giao tiếp. Những đối tượng được áp dụng liệu pháp này gồm: người đã phẫu thuật cắt thanh quản, người bị đột quỵ, người bệnh thất ngôn…
Một số vấn đề sức khỏe cần được phục hồi chức năng bằng ngôn ngữ trị liệu là:
- Rối loạn âm ngữ, rối loạn ngôn ngữ
- Không có độ lưu loát trong giao tiếp
- Rối loạn nuốt
Một số quan niệm sai lầm về phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng không chỉ dành cho người tàn tật, người suy giảm chức năng cơ thể vĩnh viễn mà còn được áp dụng cho người bị hạn chế vận động tạm thời hoặc lâu dài do tai nạn, hậu phẫu hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý khác.
Phục hồi chức năng cũng không hồi phục hoàn toàn khả năng hoạt động của bộ phận bị suy yếu nhưng có thể giúp người bệnh cải thiện được tốt nhất khả năng còn lại, hạn chế tình trạng bệnh trở nên xấu hơn. Từ đó, người tàn tật có thể chủ động sinh hoạt trong cuộc sống bình thường, nâng cao chất lượng cuộc sống hiệu quả.